THỰC HIỆN QUY ĐỊNH VỀ GIỮ BÍ MẬT THÔNG TIN NGƯỜI TỐ CÁO
Bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo là một trong số các biện pháp bảo vệ người tố cáo được quy định tại Luật tố cáo và Nghị định 31/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 04 năm 2019 của Chính phủ quy định giữ thông tin cho người tố cáo, cơ quan tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải nghiên cứu, xác định nội dung, vụ việc; những thông tin này nếu tiết lộ sẽ gây bất lợi cho người tố cáo, để áp dụng biện pháp phù hợp nhằm giữ bí mật thông tin cho người tố cáo và lưu trữ thông tin và quản lý thông tin người tố cáo theo chế độ bí mật nhà nước.
Thực hiện trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cũng như trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước được quy định tại Điều 24, 25 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Tổng Thanh tra chính phủ đề xuất danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng sau đó Bộ công an tiến hành thẩm định và ngày 05/6/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 774/QĐTTg quy định danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng và văn bản số 868/TTg-NC ngày 09/7/2020 đính chính nội dung Quyết định số 774/QĐ-TTg ngày 05/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ; theo đó quy định độ Mật trong hoạt động giải quyết tố cáo, gồm:
(1) Họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác có thể làm lộ danh tính của người tố cáo, người được bảo vệ theo quy định của Luật Tố cáo, trừ trường hợp người tố cáo có yêu cầu khác;
(2)Báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo trước khi công khai kết luận nội dung tố cáo;
(3) Kết luận nội dung tố cáo chưa công khai.
Như vậy, trong quá trình thực hiện hoạt động giải quyết tố cáo thì trách nhiệm của các chủ thể tiến hành cũng như cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện các quy định theo pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước để đảm bảo độ mật của các tài liệu.
Nhằm phát huy quyền dân chủ của người dân trong hoạt động đấu tranh lại các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội, tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng; trong hoạt động giải quyết tố cáo đúng phải quy định pháp luật; ngoài ra trên cơ sở thực tiễn vấn đề bảo vệ người tố cáo cần quan tâm một số vấn đề sau:
Thứ nhất, Đối với cơ quan tổ chức có thẩm quyền cần thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai, minh bạch nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới khoa học công nghệ trong lĩnh vực mình quản lý; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về pháp luật nói chung, đặc biệt là Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ hai, Sắp xếp bố trí những công chức giải quyết tố cáo khép kín không phân rã nhiều bộ phận khác nhau, bố trí thành viên Ban thanh tra ở cơ sở vào tổ giải quyết tố cáo với nhiệm vụ giám sát.
Thứ ba, Nhằm tránh xung đột là một khâu rất quan trọng trong quá trình giải quyết tố cáo thì trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cũng như trách nhiệm người đứng đầu khi ban hành thành lập tổ xác minh xác định nội dung, vụ việc cần tránh bố trí người thực hiện nhiệm vụ có mối quan hệ liên quan đối tượng tố cáo và người bị tố cáo.
Thứ tư, Quá trình giải quyết thụ lý cần sử dụng đúng biểu mẫu trong công tác bảo vệ bí mật Nhà nước.
Thứ năm, Cần xây dựng thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự giữa người tố cáo trong đó xác định rõ ai là người chịu trách nhiệm chính ở mỗi nhiệm vụ bảo vệ người tố cáo. Bên cạnh đó quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể, cá nhân trong việc tiếp nhận, xử lý tố cáo không bị tiết lộ ra ngoài.
Mỹ Hạnh – Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT