Truy cập nội dung luôn
SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI

TỈNH QUẢNG NGÃI

Nhân lực số mang tính quyết định tới thành công của chuyển đổi số quốc gia

27/05/2022 11:26    56

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đánh giá, nhân định về Nhân lực số.

Theo đó, Nhân lực số là lực lượng lao động kỹ thuật chuyên nghiệp, trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, an toàn thông tin mạng. Nguồn nhân lực số được xác định là một trong những yếu tố quan trọng, mang tính quyết định tới thành công của chuyển đổi số quốc gia.

Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật: Công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, an toàn thông tin. Hằng năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành này vào khoảng hơn 53.000 (nếu tính cả đào tạo cao đẳng, trung cấp thì con số này vào khoảng hơn 65.000). Với năng lực đào tạo này, trong những năm gần đây, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ thuật cao để thực hiện chuyển đổi số, trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng cao để thực hiện chuyển đổi số. Trong cơ cấu nguồn nhân lực, tỉ lệ nhân lực kỹ thuật/tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam đạt hơn 1%. Đây là tỉ lệ tương đối thấp so với một số quốc gia như Hoa Kỳ (4%), Hàn Quốc (2,5%), Ấn Độ (1,78%).

Không chỉ là vấn đề số lượng, chúng ta cũng thiếu hụt nhân lực có kiến thức, kỹ năng, làm chủ các công nghệ mới, công nghệ đặc trưng của chuyển đổi số như: Trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, tự động hóa hay blockchain. Các công nghệ số đang có tốc độ phát triển nhanh, trong khi đó, chương trình đào tạo đang chưa theo kịp.

Theo một báo cáo về thị trường công nghệ thông tin tại Việt Nam, chỉ có khoảng 30% kỹ sư, cử nhân đại học mới ra trường có khả năng đáp ứng yêu cầu thực tế của công việc, đồng nghĩa với việc là các nhà tuyển dụng mất thêm Lưu hành nội bộ |2 nguồn lực để thực hiện đào tạo sau tuyển dụng. Trong khi đó, tốc độ phát triển nhanh của công nghệ còn đặt ra các yêu cầu mới về đào tạo, đào tạo lại kỹ năng, đào tạo nâng cấp kỹ năng để nhân lực có thể theo kịp và luôn được cập nhật các xu thế mới của công nghệ. Cũng theo báo cáo, hiện nay, các nhà tuyển dụng tại Việt Nam có nhu cầu nhưng không tuyển dụng được khoảng 100.000 – 150.000 nhân lực số thiếu hụt do đào tạo cũng như do khoảng cách giữa đào tạo và yêu cầu thực tế ngày càng lớn.

Việt Nam không phải quốc gia duy nhất gặp phải vấn đề đào tạo nhân lực số này. Để giải quyết vấn đề, nhiều quốc gia, điển hình là Hàn Quốc, Ấn Độ đã xác định phát triển đại học theo mô hình đại học số, là giải pháp quan trọng, đột phá để phát triển, bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nhân lực số nói riêng.

Mô hình đại học số, hiểu một cách đơn giản là chuyển đổi số giáo dục đại học, đưa toàn bộ hoạt động của trường đại học, của giảng viên, sinh viên lên môi trường số. Và vì chuyển đổi hoàn toàn lên môi trường số, mô hình hoạt động của một trường đại học số trở nên linh hoạt và vượt qua nhiều giới hạn vật lý mà một ngôi trường truyền thống gặp phải, dẫn tới dịch vụ giáo dục được tiếp cận dễ dàng hơn, đào tạo được nhiều hơn, chi phí thấp hơn, với chất lượng tối thiểu tương đương. Một trường đại học hoạt động theo mô hình đại học số cung cấp cả dịch vụ đào tạo trực tiếp lẫn trực tuyến một cách linh hoạt.

Báo cáo chuyên đề có đề cập đến câu chuyện triển khai đại học số tại Hàn Quốc và Ấn Độ. Mới đây, Thủ tướng Ấn Độ, ông Narenda Modi coi triển khai đại học số là bước đi chưa có tiền lệ để giải quyết triệt để vấn đề giới hạn chỉ tiêu đào tạo tại các trường đại học. Việc phát triển đại học số có thể tăng chỉ tiêu đào tạo từ 27% lên 50%, tức là có thêm 10 triệu người dân Ấn Độ trong độ tuổi có thể tiếp cận với đào tạo trình độ đại học.

Văn phòng Sở (t/h)