Truy cập nội dung luôn
SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI

TỈNH QUẢNG NGÃI

Vai trò, vị trí về mặt nguồn lực vật chất cho việc phát triển kinh tế - xã hội của kết cấu hạ tầng, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị

25/11/2021 16:23    3667

Cầu Cổ Lũy- Ảnh PQQ (năm 2020)

Kết cấu hạ tầng là nền tảng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ. Khi có kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, nền kinh tế mới có điều kiện để tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững. Thực tiễn cho thấy rằng, phát triển kết cấu hạ tầng có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia, kể cả các nước phát triển và là nhu cầu rất lớn của các nước đang phát triển. Ở một số nước đang phát triển hiện nay, kết cấu hạ tầng thiếu và yếu đã gây ứ đọng trong luân chuyển các nguồn lực, khó hấp thụ vốn đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, những quốc gia phát triển là những nước có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, thậm chí một số lĩnh vực hạ tầng trở thành “hạ tầng thông minh” như hệ thống giao thông thông minh, đô thị thông minh,...

Trình độ phát triển của kết cấu hạ tầng có ảnh hưởng quyết định đến trình độ phát triển của đất nước; trình độ phát triển kết cấu hạ tầng càng cao thì mức độ bất bình đẳng về thu nhập trong xã hội càng giảm. Phát triển kết cấu hạ tầng có tác động tích cực đến công tác xoá đói, giảm nghèo; nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế; có cơ sở để phân phối nguồn lực hiệu quả trong phát triển, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội.

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị là một bộ phận quan trọng, có vai trò nòng cốt và “xương sống” đối với sự phát triển của kết cấu hạ tầng nói chung. Vì vậy cũng có thể nói rằng, khi phát triên kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, kết nối đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa, hành khách, phát triển đô thị, đời sống dân cư đô thị văn minh, giải quyết được các vấn đề nan giải của đô thị như kẹt xe, ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, nước thải, ngập úng, thiếu nước sạch… thì nền kinh tế mới có điều kiện để tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững.

Đối với các nước đang phát triển như nước ta, việc phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn; hạ tầng giao thông với vai trò “mở đường”, “dẫn lối”, hạ tầng đô thị tạo nền tảng cho quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị, nâng cao đời sống của cư dân đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, đồng thời việc phát triển chúng nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, vừa tạo điều kiện bứt phá nhanh trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại của Đất nước.

Thực tế nước ta cho thấy, ở đâu hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị phát triển thì thu hút nhiều vốn đầu tư cho phát triển, điều kiện để phát triển các vùng kinh tế động lực, vùng kinh tế trọng điểm từ đó tạo ra các tác động lan tỏa, lôi kéo các địa phương, khu vực liền kề phát triển như Hà Nội – Quảng Ninh – Hải Phòng thuộc Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ, Đà Nẵng – Bình Định thuộc Vùng KTTĐ miền Trung, thành phố Hồ Chí Minh – Bình Dương – Đồng Nai thuộc Vùng KTTĐ phía Nam, Cần Thơ – Kiên Giang thuộc Vùng KTTĐ vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Như đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiềm năng phát triển rất lớn, là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam, có vị trí thuận lợi trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Kông. Tuy nhiên, đến nay hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị của vùng này rất khó khăn, phát triển chậm, thậm chí là yếu trước các tác động lớn của biến đổi khí hậu, nên thiếu tính liên kết toàn vùng, chưa gắn kết chặt chẽ với thành phố Hồ Chí Minh, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tiểu vùng sông Mê Kông. Chính vì vậy, để vùng này phát triển bền vững, tại Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, đã đặt mục tiêu, tầm nhìn và giải pháp để phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy đồng bộ, kết nối trong vùng, liên vùng và xây dựng hệ thống đô thị hiện đại, được phân bố hợp lý trong vùng và các tiểu vùng.   

Phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, hạ tầng khu dân cư mới ở nông thôn, đô thị hóa nông thôn, nhất là việc cải thiện hạ tầng giao thông được thực hiện thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế vùng khó khăn, dân tộc thiểu số,… đã tác động rất lớn đến người nghèo, nâng cao điều kiện sống của họ, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao trình độ, cải thiện điều kiện chăm sóc y tế, sức khỏe và giảm thiểu bất bình đẳng về mặt xã hội cho người nghèo, người dân tộc thiểu số;…

Nguồn lực cho phát triển kinh tế gồm: nguồn lực vật chất/nguồn lực kinh tế (như vốn, tài nguyên thiên nhiên, lao động và khoa học - công nghệ) và nguồn lực tinh thần/nguồn lực phi kinh tế (như thể chế chính trị, luật pháp, chính sách, đặc điểm văn hóa, dân tộc, tôn giáo...). Mỗi nguồn lực kinh tế có vai trò nhất định đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế: Vốn có vai trò quan trọng; tài nguyên thiên nhiên là đối tượng lao động, yếu tố đầu vào không thể thiếu đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế; lao động đóng vai trò quan trọng mang tính quyết định; khoa học – công nghệ có vai trò thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cầu kinh tế theo hướng tiến bộ, góp phần tăng năng suất các nhân tố tổng hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nhiệp và nền kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho con người, góp phần vào tạo điều kiện cải tạo môi trường sinh thái.

Khi đề cập đến vốn, dưới góc độ nguồn lực kinh tế, gồm vốn hữu hình (dạng vật chất cụ thể, không thể thiếu được trong quá trình sản xuất - kinh doanh) và vốn vô hình (không tồn tại dưới dạng vật chất cụ thể). Đối với kết cấu hạ tầng kinh tế nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, dưới dạng vật chất cụ thể là một bộ phận của nguồn vốn hữu hình cho sự phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng được phát triển đồng bộ, hiện đại và phát huy tốt sẽ tạo ra năng lực cạnh tranh, sức mạnh nội sinh của nền kinh tế, đóng góp nguồn vốn vô hình trong phát triển kinh tế.

Khái quát lại, kết cấu hạ tầng đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, mỗi địa phương, tạo động lực cho sự phát triển. Hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, sức mạnh nội sinh, hiệu quả của nền kinh tế và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

*Tài liệu tham khảo:

- Bài báo Phát triển hạ tầng giao thông để đẩy mạnh phát triển kinh tế Việt Nam của Nguyễn Văn Nghi, Giảng viên Trường Đại học Công đoàn,Tạp chí Công thương điện tử, năm 2021.

- Bài báo Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông “đi trước một bước” theo hướng đồng bộ, hiện đại của Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Cổng thông tin điển tử Bộ GTVT, năm 2020.

- Bài báo Hợp tác công - tư trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam của Việt Tùng, Tạp chí Cộng sản, năm 2019.]

PQQ (Phòng QLCL).