Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD
05/09/2024 11:15 17
Ngày 26/8/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg về một số Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng (VLXD).
Theo đó, trong những năm gần đây, ngành VLXD nước ta gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng sản xuất, tiêu thụ và doanh thu đều giảm sút, dẫn đến nguy cơ tác động đến nền kinh tế và ảnh hưởng đến tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước. Các khó khăn chủ yếu bao gồm: cơ chế chính sách để phát triển bền vững ngành VLXD còn có khoảng cách so với thực tiễn; chi phí nhiên liệu tăng cao, các nguyên liệu sản xuất VLXD, thép,... vẫn còn gặp khó khăn, có lúc chưa bảo đảm đủ ổn định để sản xuất; thị trường tiêu thụ VLXD trong nước và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do tổng cầu trong nước và thế giới đều giảm, chuỗi cung ứng bị đứt gẫy, thị trường bất động sản trong nước tăng trưởng chậm, nhiều công trình xây dựng, dự án trọng điểm về kết cấu hạ tầng chậm triển khai, phải hoãn hoặc giãn tiến độ, chi phí vận tải tăng cao; tình hình tài chính các doanh nghiệp sản xuất VLXD, nhất là các doanh nghiệp xi măng gặp khó khăn; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái liên quan đến VLXD vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Để khắc phục các khó khăn, vướng mắc nêu trên và thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan quán triệt 06 quan điểm chỉ đạo và tập trung thực hiện 04 nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, đối với nhóm nhiệm vụ về thị trường liên quan đến ngành giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu:
- Tăng tỷ lệ lựa chọn phương án cầu cạn bê tông cốt thép ngay từ khâu thiết kế cho các tuyến đường cao tốc đầu tư xây dựng từ nay đến năm 2030 và các năm tiếp theo ở những địa bàn phù hợp, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu có chiều sâu lớn và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường như vùng đồng bằng sông Cửu Long bảo đảm kinh tế - kỹ thuật theo thời gian sử dụng và tuổi thọ công trình.
- Tăng cường sử dụng công nghệ gia cố đất bằng xi măng để xử lý nền đất yếu (tại khu vực đầu cầu, cống, các vị trí có chiều cao đắp lớn, các vị trí có chiều sâu đất yếu lớn,...) đối với các tuyến đường đầu tư từ nay đến năm 2030 và các năm tiếp theo bảo đảm kinh tế - kỹ thuật theo thời gian sử dụng và tuổi thọ công trình.
- Sử dụng tối đa đường bê tông xi măng trong các dự án đường nông thôn, miền núi và đường tại những vùng thường xuyên ngập lụt.