Bức thư Bác gửi cho bác sĩ Vũ Đình Tụng có con là Liệt sỹ
Những tình cảm thiêng liêng Bác dành cho thương binh, liệt sỹ được thể hiện trong các bài nói, bài viết của mình. Đặc biệt trong bức thư Bác gửi cho bác sĩ Vũ Đình Tụng có hai con trai hy sinh trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
“Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau
Nỗi đau dân nước, nỗi nǎm châu
Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ
Cho hôm nay và cho mai sau...”.
Lời thơ xúc động của Tố Hữu khiến chúng ta càng da diết hơn nỗi nhớ Bác trong những ngày tháng 7 này - ngày “ uống nước nhớ nguồn’, ngày tri ân các gia đình thương binh liệt sỹ: 27/7. Có rất nhiều câu chuyện cảm động kể về tình cảm, sự quan tâm của Bác giành cho thương bệnh binh, cho thân nhân các liệt sỹ. Và câu chuyện được ghi lại theo lời kề của bác sỹ Vũ Đình Tụng thật xúc đông:
“Cả ngày hôm ấy, tháng Chạp năm 1946, tôi đã phải mổ cưa gắp đạn và khâu vết thương cho hàng chục chiến sĩ nhưng đến trường hợp con tôi, thần kinh tôi căng lên một cách kinh khủng.
Mấy y tá giúp việc khuyên tôi nên nghỉ tay, nhưng tôi vẫn cố kìm mình để giữ bình tĩnh, gắp mảnh đạn cuối cùng trong thân thể con. Xong việc, tôi loạng choạng rời khỏi bàn mổ.
Các bác sĩ và những người giúp việc đã cố gắng hết sức nhưng vết thương do quân thù gây ra quá nặng đã cướp mất Thành, con trai út của tôi, một chiến sĩ “sao vuông” còn rất trẻ. Anh của Thành, Vũ Đình Tín, tự vệ chiến đấu cũng vừa bị mất sau ngày Tổng khởi nghĩa, tôi đau đớn đến bàng hoàng.
Một buổi chiều trời rét cắt da, sau đêm Nô-en, vào lúc tôi vừa mổ xong một ca thương binh nhẹ thì Bác sĩ Trần Duy Hưng (lúc bấy giờ giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ) trân trọng trao cho tôi một bức thiếp của Hồ Chủ tịch. Tôi cảm động lắm.
Mới đầu, tôi cứ ngỡ là một mệnh lệnh của Người. Nhưng thật không ngờ, đó lại là một bức thư riêng đầy tình cảm lớn lao của Bác chia sẻ với mất mát của gia đình tôi. Khi đó, Bác gọi tôi là “Ngài”. Người viết:
“Thưa Ngài, tôi được báo cáo rằng: Con giai Ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc.
Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột.
Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước - Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, tinh thần họ luôn luôn sống với non sông Việt Nam. Họ là con thảo của Đức Chúa, họ đã thực hiện khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc. Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ.
Ngài đã đem món quà quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây, chắc Ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng.
Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn Ngài và gửi Ngài lời chào thân ái và quyết thắng.
Tháng1-1947 Hồ Chí Minh”.
Đọc xong bức thư, tôi thấy bàng hoàng. Bác bận trăm công nghìn việc, thế mà Bác vẫn nghĩ đến tôi, một gia đình đang có cái tang đau lòng như hàng vạn gia đìnhkhác.
Tôi thấy nỗi đau thương và sự hy sinh của gia đình mình trở nên nhỏ bé trong tình thương mênh mông và sự hy sinh cao cả của Bác đối với cả dân tộc.
Sau đó, tôi theo Bác lên Việt Bắc - căn cứ thần thánh của cách mạng Việt Nam. Từ một người thầy thuốc của xã hội cũ, một giáo dân ngoan đạo, tôi đã trở thành một người thầy thuốc tốt, một Bộ trưởng Bộ Thương binh Xã hội của nước Việt Nam mới”.
Bác sĩ Vũ Đình Tụng sinh năm 1895 tại Vụ Bản, Nam Định. Ông là một trí thức công giáo yêu nước, có cảm tình với cách mạng và giàu lòng nhân ái. Thời trẻ, ông học tại Trường Bưởi, Trường Cao đẳng Y khoa Đông Dương. Khi tốt nghiệp ông làm Giám đốc Dưỡng đường và Trưởng khoa Giải phẫu thuộc phân khoa hỗn hợp Y Dược, chuyên gia phẫu thuật tại Bệnh viện Thuộc địa (Hà Nội). Ông từng là hội viên Viện nghiên cứu nhân trắc học, cộng tác viên Học viện phẫu thuật và các tạp chí khoa học Pháp - Việt, tạp chí Thanh Nghị (Hà Nội). Ông là một trong những bác sĩ đầu ngành về ngoại khoa của y học Việt Nam.
Mùa đông năm 1946, trong những ngày toàn quốc kháng chiến, nhiều người con Thủ đô đã dũng cảm hi sinh vì Tổ quốc. Tối một ngày tháng Chạp năm 1946, tại bệnh viện Bạch Mai, có một ca mổ đã khiến thần kinh của bác sĩ Vũ Đình Tụng "căng lên một cách kinh khủng... Đó là ca mổ cho một chiến sĩ tự vệ thành Hà Nội rất trẻ. Anh bị thương do một đường đạn từ sau lưng, phá ra phía trước, bể bụng ruột gan rối bời lòi ra. Tuy vết thương nặng đau xé tung cả ruột mà miệng anh vẫn mỉm cười. Với nụ cười thân thương rất quen thuộc, bác sĩ đã nhận ra chiếc rǎng khểnh nhỏ của Vũ Vǎn Thành - đứa con trai thứ hai của mình. Đây là ca mổ đau đớn nhất trong đời của Ông!
Khi nhận được lá thư thăm hỏi động viên của Bác Hồ, bì thư được làm bằng giấy báo cũ, mặt trước dán tờ giấy trắng, chữ viết tay, nét hơi run: "Kính gửi Bác sĩ Vũ Đình Tụng", Ông đã vô cùng cảm động, Ông thấy nỗi đau thương và sự hy sinh của gia đình mình trở thành nhỏ bé trong tình thương mênh mông và sự hy sinh cao cả của Bác đối với dân tộc, đất nước nên đã nén đau thương thành hành động để hết lòng hết sức làm việc cống hiến cho Tổ quốc.
Bác sí Vú Đình Tụng đột ngột qua đời vào năm 1973, nên không kịp dặn dò người thân. Nhưng, như có linh cảm về sự ra đi đột ngột của mình, mấy tháng trước khi mất ông đã trao lại bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho con trai là Vũ Đình Tuân và dặn: "Đây là của báu của gia đình, nhưng cũng là vật quý của dân tộc, cha trao lại cho con cất giữ cẩn thận, chu đáo. Lá thư riêng này mang nặng tình cảm của cả núi sông, của lịch sử đấy con ạ". Ngày 10 tháng 3 năm 1985, anh Vũ Đình Tuân đã mang bức thư tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để phục vụ cho khách tham quan nghiên cứu và học tập.
Đọc đi đọc lại từng câu , từng chữ của bức thư huyết lệ này trong lòng mỗi chúng ta lại trào dâng những xúc cảm khó tả.
Những ngày đầu kháng chiến, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn nghĩ đến và chia sẻ sự hy sinh mất con của Bác sĩ Vũ Đình Tụng.. Ân tình sâu nặng và những lời chia sẻ động viên, khích lệ kịp thời của Bác đã an ủi động viên tất cả thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ trong cả nước khiến họ vơi bớt nỗi đau mất mát người thân và thêm tự hào với những gì mà mình đã cống hiến cho quê hương, đất nước. Và chính tình cảm, sự quan tâm đó của Bác cũng đã giúp họ có thêm nghị lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống đời thường, biết đem tình cảm riêng của mình, của gia đình mình đặt trong tình cảm thiêng liêng của dân tộc, của đất nước.
Để chia sẻ nỗi đau của các thương binh, thân nhân liệt sĩ đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình, trong bức thư đăng trên báo Cứu quốc ngày 7/1/1946, Bác viết: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những liệt sỹ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập, thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mạng, hoặc trong thời kỳ kháng chiến, tôi gửi lời chào thân ái đến các gia đình liệt sỹ và tôi nhận các con liệt sỹ làm con nuôi của tôi”.
Trong thư Bác gửi đồng bào Nam Bộ, có những đoạn thực sự xúc động: “Tôi xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc tranh đấu cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng”. “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam, đã vì Tổ quốc mà hy sinh tính mệnh”.
Là người biết nhìn xa, trông rộng, Bác đã sớm nhận thấy vấn đề quan trọng của việc đền ơn đáp nghĩa nên đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày “Ngày Thương binh, Liệt sĩ”. Thực hiện chỉ thị của Người, Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở Trung ương, khu và tỉnh họp ở Phú Minh, Đại Từ, Thái Nguyên nhất trí lấy ngày 27/7/1947 là “Ngày Thương binh, Liệt sĩ”.
Cho tới khi chuẩn bị đi “gặp cụ Các Mác, cụ Lê nin và các vị cách mạng đàn anh khác” Bác đã chủ động để lại bản Di chúc lịch sử. Trong bản Di chúc Bác không quên một ai, không bỏ sót một đối tượng nào đặc biệt là các thương bệnh binh và thân nhân liệt sỹ: “…Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong..,), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.
Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.
Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét…”.
Tình cảm của của Bác đối với thương binh, liệt sĩ không chỉ là sự tiếc thương mà còn xen lẫn tự hào. Tình cảm đó như “dòng sông đỏ nặng phù sa’ đã ngày đêm miệt mài không ngừng bồi đắp để gợi lên tinh thần bất khuất, làm hồi sinh sức sống mãnh liệt của cả dân tộc, của những người đã hy sinh, những người cống hiến một phần máu xương của mình cho Tổ nước. Bác đã tôn vinh sự hy sinh, mất mát của các thương binh, liệt sĩ bằng cách khơi gợi ý thức và trách nhiệm của những người đang sống đối với những người đã khuất, những người đã để lại một phần thanh xuân, một phần cơ thể mình nơi chiến trường bão lửa.
Câu chuyện do bác sĩ Vũ Đình Tụng kể lại rất dung dị, chân thành và cảm động giúp chúng ta thêm một lần nữa hiểu, biết ơn Bác nhiều hơn và hãy tự dặn lòng: “ Mỗi bát nước chè xanh bưng lên. Mỗi bát cơm đầu mùa đặt xuống. Khúc cá vàng mâm đĩa xanh rau muống. Đều hiểu ngầm công ơn Bác tự bên trong…”
Thanh tra Sở GTVT (trích nguồn học viện chính trị Quốc gia)