kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Xây dựng chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Việc xây dựng những chuẩn mực đạo đức cho cán bộ đảng viên không những kế thừa những giá trị đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh để lại cho cán bộ, đảng viên, nhân dân ta, mà cần có sự sáng tạo, phát triển, đáp ứng yêu cầu đạo đức trong thực tiễn mới hiện nay.
Đặc điểm suy thoái về đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên
Từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc không chỉ tiếp thu từ góc độ lý luận, mà còn từ góc độ đạo đức.
Năm 1924, trong bài “Lê-nin và các dân tộc Phương Đông”, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định, không chỉ là thiên tài của Lê- nin, mà còn chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị là đạo đức cao đẹp và vĩ đại của Người đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người không gì ngăn cản nổi.
Năm 1927, với tác phẩm “Đường Kách mệnh” được tập hợp từ những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên do Người và Tổng bộ tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc), trong bài “Tư cách của một người cách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh đến các phẩm chất đạo đức, tự mình phải: cần kiệm, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, hy sinh, ít lòng ham muốn về vật chất…”.
Ngay sau khi Đảng có chính quyền, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện những hiện tượng suy thoái của một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong bộ máy của chính quyền cách mạng. Chỉ 17 ngày sau khi nước Việt Nam mới - nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Người đã chỉ ra “khuyết điểm to nhất ở bộ máy các địa phương là: hẹp hòi - bao biện, lạm dụng hình phạt, kỷ luật không nghiêm, hủ hóa, lên mặt quan cách mạng, chuyên quyền độc đoán, lấy của công làm của tư, dùng pháp luật của Nhà nước để trả thù riêng”.
Tháng 10/1945, Người tiếp tục phát hiện và chỉ ra 6 loại khuyết điểm của nhiều loại cán bộ, đảng viên, mà Hồ Chí Minh gọi là những lầm lỗi rất nặng nề: trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo.
Tháng 10/1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người đã phê phán hàng chục căn bệnh từ chủ nghĩa cá nhân: bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc địa phương, óc lãnh tụ, bệnh hữu danh vô thực, bệnh kéo bè kéo cánh, bệnh cận thị, bệnh “cá nhân”, bệnh tị nạnh, bệnh xu nịnh, a dua…
Trong những lãnh tụ của giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ quan tâm nhiều nhất đến đạo đức cán bộ, đảng viên. Tác phẩm cuối cùng của Người để lại cho Đảng và dân tộc ta, bên cạnh bản di chúc vĩ đại, vô giá, lại cũng là tác phẩm: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.
Suốt cả cuộc đời cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn luôn nêu gương sáng về đạo đức và cũng luôn luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải chăm lo trau dồi đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, mà theo Người, đây là nguồn gốc của mọi thứ tiêu cực, tệ nạn, tật bệnh tạo nên nguy cơ phá Đảng từ bên trong, từ ngay trong tổ chức nội bộ của Đảng. Người đã cảnh báo: “Mỗi dân tộc, mỗi Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Sau khi giải phóng niềm Nam, thống nhất đất nước, cả nước quá độ đi lên CNXH, điều kiện xã hội đã có nhiều thay đổi, Đảng ta lại không kịp thời chỉnh đốn Đảng như lời dặn của Bác trong Di chúc. Nhiều hiện tượng suy thoái về đạo đức đã phát triển trong điều kiện mới.
Năm 1999, với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII đã quyết tâm chỉnh đốn Đảng, lập ra Ban chỉ đạo Trung ương 6 (2), nhằm ngăn chặn, đẩy lùi những hiện tượng hư hỏng, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, phòng ngừa nguy cơ sai lầm về đường lối và nguy cơ suy thoái về đạo đức. Song năm 2002, Ban chỉ đạo Trung ương (2) chấm dứt hoạt động, tạo điều kiện cho sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhất là “lợi ích nhóm” phát triển.
Hiện nay, suy thoái về đạo đức, lối sống đã được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ ra với 9 biểu hiện rất cụ thể. Ở đây, người viết chỉ xin được nêu lên một số đặc điểm góp phần nhận diện thêm suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay.
Một là, sự suy thoái đạo đức không chỉ diễn ra ở từng cán bộ, đảng viên có tính chất riêng lẻ, mà sự suy thoái theo dây, theo nhóm, theo kiểu “liên minh cánh hẩu”, “lợi ích nhóm”, tạo thành những mối dây giữa người này với người khác, bộ phận này với bộ phận khác, giữa bên trên với bên dưới, giữa bên trong với bên ngoài, giữa tổ chức, quan chức biến chất với các loại hình doanh nghiệp…, để tham nhũng, chia chác, bảo vệ, che chắn cho nhau.
Hai là, quyền lực chính trị kết hợp với quyền lực kinh tế, cộng với sân sau gia đình, lèo lái chính sách, tạo ra những cú áp phe lớn, đưa đến lợi ích khủng cho phe nhóm và cá nhân, làm thất thoát khôn lường nền tài chính của đất nước và làm khuynh đảo cả nền kinh tế. Trong không ít trường hợp, dư luận xã hội còn cho rằng, đã có kết hợp hoạt động của mafia, có tính chất mafia.
Ba là, suy thoái đã diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc, mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực, nghiêm trọng, không chỉ ở những cá nhân, tổ chức đã được kết luận, mà còn ở không ít cá nhân, tổ chức đang còn được che chắn, chưa bị phát hiện. Sự suy thoái không chỉ diễn ra ở các lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, tài chính, thương mại, xuất nhập khẩu, doanh nghiệp mà có mặt trong cả thực hiện chính sách xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, thể dục - thể thao, văn hóa - văn nghệ, hoạt động tư pháp, công tác cán bộ…
Bốn là, suy thoái có khi trắng trợn, nhiều khi rất tinh vi, nhưng nhìn chung càng ngày càng tinh vi, nguy hiểm để che giấu, đối phó với kiểm tra, thanh tra của Đảng và Nhà nước, phát hiện, tố cáo của nhân dân.
Năm là, sự suy thoái về đạo đức có nguy cơ đưa đến cái chết về chính trị. Bởi thực tế hiện nay không ít cái chết về đạo đức đã dẫn đến cái chết về chính trị. Đảng ta hoạt động không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Từ năm 1930 đến 1945 là Đảng lãnh đạo. Từ năm 1945 đến nay, bên cạnh chức năng lãnh đạo, Đảng ta còn có chức năng cầm quyền. Khi Đảng có chính quyền, Đảng mạnh là chính quyền mạnh; chính quyền mạnh là Đảng mạnh. Toàn bộ hoạt động quản lý, kiến tạo của chính quyền cũng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Nhân dân. Khi đảng viên suy thoái về đạo đức, đặc biệt là những đảng viên có chức, có quyền sa vào “lợi ích nhóm”, tham nhũng quyền lực đi đến tham nhũng kinh tế và các loại tham nhũng khác, thực chất là đang phản bội lại lý tưởng của Đảng. Suy thoái về đạo đức dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” rất nhanh, thậm chí ngắn trong gang tấc mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ ra là vì vậy.
Suy thoái và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã đến tầm mức liên quan đến sinh mệnh của Đảng, của chế độ mà các Nghị quyết Trung ương 4, khoá XI, XII, XIII của ba kỳ Đại hội liên tiếp dược Đảng ta nhấn mạnh cũng là vì vậy.
Một số vấn đề về phương pháp luận khi xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ đảng viên
Các Mác đã khẳng định, khi con người tồn tại, phải có “quan hệ đôi”, “quan hệ song trùng”. Một mặt, con người phải quan hệ với tự nhiên, bởi “tự nhiên là máu thịt của con người” và tự nhiên không thoả mãn con người. Mặt khác, con người phải quan hệ với nhau khi tác động vào tự nhiên. Con người tìm tòi, nhận thức, hiểu biết, khám phá sáng tạo từ tự nhiên phục vụ cho cuộc sống của mình. Quan hệ con người với con người khi tác động vào tự nhiên (quan hệ người - người) chính là quan hệ xã hội.
Tự nhiên có thể hào phóng với con người, song cũng có thể “trả thù” con người tuỳ thuộc vào thái độ của con người đối xử với tự nhiên. Bởi vậy, phải ứng xử với tự nhiên một cách tử tế, có đạo đức, văn hoá.
Quan hệ xã hội phong phú, đa dạng trong đó có quan hệ đạo đức. Quan hệ đạo đức là thước đo tiến bộ của xã hội.
Đặc trưng của con người còn biết quá khứ, lịch sử của mình. Do vậy, khi xem xét đạo đức con người, còn phải xem xét trong quan hệ với lịch sử, truyền thống, dòng tộc, họ hàng, gia đình. Mặt khác, con người là sự thống nhất của cá nhân và xã hội. Do vậy, đạo đức còn được xem xét trong chính bản thân con người, nói cách khác là trong quan hệ với chính mình, với công việc, với đồng chí, đồng nghiệp.
Đảng viên là con người, nhưng không có nghĩa mọi người đều là đảng viên. Chỉ có những người, những công dân trong xã hội tiên phong, gương mẫu, tiêu biểu trên tất cả các mặt, trong đó có đạo đức, được dân tin yêu, mới có thể trở thành đảng viên. Phẩm chất, chuẩn mực tiêu biểu của đảng viên đó là đức hy sinh vì nước, vì dân.
Như vậy, về mặt phương pháp luận khi xây dựng chuẩn mực đạo đức cho cán bộ đảng viên phải tính tới chuẩn mực nổi bật xuyên suốt của đảng viên là đạo đức trong quan hệ với dân tộc, Đảng, Nhà nước, nhân dân. Tiếp đến là đạo đức trong quan hệ với tự nhiên; đạo đức trong quan hệ với xã hội; đạo đức trong quan hệ với lịch sử, truyền thống, dòng họ, gia đình, quê hương; đạo đức trong quan hệ với chính mình, công việc, đồng chí, đồng nghiệp…
Những chuẩn mực đạo đức khi xây dựng cho cán bộ đảng viên đã kế thừa những giá trị đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh để lại cho cán bộ, đảng viên, nhân dân ta, đồng thời có sự sáng tạo, phát triển đáp ứng yêu cầu đạo đức trong thực tiễn mới hiện nay. Trong đó, đặc biệt phải góp phần ngăn chặn, đẩy lùi, đi đến giải quyết cơ bản tình trạng tham nhũng, tiêu cực suy thoái về tư tưởng đạo đức lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trong đó có cả cán bộ cao cấp đương chức và nguyên chức.
Xây dựng những chuẩn mực đạo đức cho cán bộ đảng viên phải chú ý cả ý thức đạo đức, quan hệ đạo đức, thực hành đạo đức. Học theo Bác khi thiết kế chuẩn mực đạo đức phải ngắn gọn, hàm súc, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ kiểm tra khi thực hiện; cổ vũ toàn Đảng, toàn Quân, toàn Dân thực hành gắn với khát vọng sáng tạo, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Thanh tra Sở GTVT dẫn nguồn tại: https://baodautu.vn/xay-dung-chuan-muc-dao-duc-can-bo-dang-vien-theo-tu-tuong-ho-chi-minh-d190007.html